Đi Tìm Không Gian Lý Tưởng
Có lẽ ai trong chúng ta cũng sống với một giấc mơ luôn tồn tại, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong giấc mơ ấy, chúng ta hướng đến những gì chúng ta cho là hoàn hảo nhất như là không gian lý tưởng. Nhưng cũng chính là giấc mơ ấy đôi khi đã làm cho chúng ta quên mất cuộc sống hiện tại, để rồi có khi giật mình, chúng ta chợt nhận ra, những thứ trong giấc mơ ấy không phải là dành cho mình.
Điều đó đặc biệt đúng đối với các kiến trúc sư/nhà thiết kế nội thất. Giấc mơ của các kiến trúc sư là việc kiến tạo ra một không gian lý tưởng, nơi mà tất cả các yếu tố liên quan, tương tác với nhau một cách hoàn hảo. Nhưng khi kiến trúc sư bắt đầu đặt yếu tố quan trọng nhất, con người, vào trong không gian ấy, thì sự hoàn hảo kia bắt đầu gặp vấn đề. Kiến trúc sư tìm kiếm cả đời để tạo ra một không gian lý tưởng, một không gian hoàn hảo, để phục vụ con người không hoàn hảo. Liệu đó có phải là một nghịch lý? Phải chăng, điều hợp lý nhất đối với kiến trúc sư là hãy quên cái không gian lý tưởng vẫn nằm mãi trong đầu của chúng ta đi. Và hãy bắt đầu công việc bằng việc ghi nhận những điều không hoàn hảo, những nhu cầu thật sự, để thiết kế theo những yếu tố ấy.
(Ảnh sưu tầm)
Bản thân người viết đã có một thời say mê những không gian tối giản, những không gian mà trong đó mọi thứ được sắp xếp một cách ngăn nắp một cách kỹ lưỡng, màu sắc, vật liệu được sử dụng một cách cực kỳ tiết chế… Tất cả đều để hướng đến một không gian mà theo định nghĩa của người viết và của cả khách hàng, vốn là những người còn rất trẻ, là hoàn hảo. Nhưng người viết, và cả khách hàng của mình, đều đã quên một điều là khách hàng không thể tối giản các hoạt động thường ngày của họ để trở thành một yếu tố lý tưởng cho cái không gian hoàn hảo ấy. Khách hàng, với nhu cầu sinh hoạt ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi, và đặc biệt là bày bừa… cảm thấy không thoải mái với ý nghĩ đã làm cái không gian ấy trở nên lộn xộn và tầm thường…
Đi tìm “lý tưởng”
Để khắc phục hậu quả, hai bên đã phải ngồi lại với nhau, tiến hành lại công đoạn mà lẽ ra đã phải được làm từ đầu: nghiên cứu, phân tích thói quen và nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của khách hàng… để rồi từ đó điều chỉnh lại, bớt đi một tí dư thừa, thêm vào những điều cần thiết. Cùng với một số thủ thuật để tăng tính sống động cho không gian, người viết cuối cùng cũng đã có thể tạo ra cho khách hàng của mình một không gian lý tưởng.
(Ảnh sưu tầm)
Đó thật sự là một không gian lý tưởng. Một không gian gắn chặt với các hoạt động của người sử dụng như việc đeo một chiếc găng tay phẫu thuật vào bàn tay. Không gian đó thật sự được tạo ra để phục vụ người sử dụng. Ở trong không gian đó, người sử dụng cảm thấy thoải mái, cảm thấy được là chính mình. Không gian đó có thể là bình thường, thậm chí có rất nhiều khiếm khuyết đối với những người khác, nhưng đối với những người chủ của nó, đó đích thực là một không gian lý tưởng.
Theo KTS Đỗ Đăng Khoa