Tại Diễn đàn Môi trường và Kiến trúc cảnh quan Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức từ 23-25/11/2015 tại Seoul do Đại học Quốc gia Seoul và Viện Kiến trúc Cảnh quan Hàn Quốc phối hợp tổ chức, Việt Nam có hai đại diện: KTS Ngô Viết Nam Sơn và KTS Nguyễn Hữu Thái – tham gia thuyết trình về kiến trúc cảnh quan tại Việt Nam. Qua ghi nhận những thành tựu và vấn đề tồn tại của ngành kiến trúc cảnh quan tại các nước Á Châu và các quan sát về hoạt động giảng dạy và hành nghề trong nước, bài viết này góp một số ý kiến cho tương lai phát triển của ngành kiến trúc cảnh quan tại Việt Nam. 

dfb

Về nhu cầu và hoạt động ngành kiến trúc cảnh quan tại Việt Nam

Tại Việt Nam, nếu như cục bộ các công trình kiến trúc thường khá tốt, thì sự tổng hợp các công trình này tại các đô thị thường hỗn độn hoặc chưa đẹp. Một trong những lý do chính của tình trạng đó là công tác quy hoạch yếu kém và thiếu sự tham gia của ngành kiến trúc cảnh quan.
Nhiều dự án lớn về quy hoạch, kiến trúc, và bảo tồn di sản tại Việt Nam chắc chắn sẽ phát huy được tác dụng lớn hơn nhiều về mặt giá trị văn hóa nếu có sự tham gia của các KTS cảnh quan ngay từ đầu như: Quy hoạch cải tạo khu phố lịch sử của Đà Lạt, phố đi bộ Nguyễn Huệ; Tổ chức không gian quy hoạch hai bên bờ sông Sài Gòn tại TP HCM; Quần thể khu hội nghị và bảo tàng tại Mỹ Đình – Hà Nội…

Hiện nay, nhu cầu thiết kế kiến trúc cảnh quan cho các dự án khu đô thị và khu dân cư đang có xu hướng gia tăng, vì nhà đầu tư đã nhìn thấy lợi ích của việc tăng giá trị xanh và cảnh quan cho dự án. Tuy vậy, dù nhu cầu ngày càng lớn, phần lớn các hợp đồng lớn về kiến trúc cảnh quan hiện nay đều được giao cho các công ty tư vấn thiết kế cảnh quan nước ngoài như Deso Defrain Souquet Associates (Pháp), SWA và Sasaki Associates (Mỹ).
Bên cạnh vài KTS cảnh quan người Việt thành công tại nước ngoài (như Andy Cao), nói chung chưa có KTS cảnh quan người Việt nổi bật trong nước. Một số công ty Việt Nam nhạy bén đã đăng ký thêm hoạt động thiết kế kiến trúc cảnh quan, nhưng nói chung đa số thiết kế cảnh quan của KTS Việt Nam hiện vẫn còn hạn hẹp theo tư duy cũ, với hình ảnh bãi cỏ viền hoa, non bộ, và hàng cây xanh (hoặc cụm cây xanh) kết hợp với mặt nước.
Ngành kiến trúc cảnh quan tại Việt Nam hoạt động khá mờ nhạt, chưa có hội nghề nghiệp, chưa có nền tảng pháp lý về hoạt động nghề nghiệp rõ ràng (như trách nhiệm nghề nghiệp, quy định thiết kế phí, quy định về nội dung thiết kế cảnh quan, …).
Hiện nay đa số chuyên gia về kiến trúc cảnh quan Việt Nam là đô thị sư hoặc KTS có nghiên cứu thêm về cảnh quan nên có thể làm thêm công tác này để phục vụ cho dự án quy hoạch kiến trúc của họ. Trong khi đó, các nước tiên tiến thường có một lực lượng KTS cảnh quan hùng hậu, được đào tạo bài bản và chuyên tâm vào hoạt động chuyên ngành.
Để giúp minh họa cho chúng ta có một ý niệm so sánh tương đối, theo thông tin của Liên đoàn KTS Cảnh quan Quốc tế, hiện nay tại Úc có khoảng 3000 KTS cảnh quan (khoảng 13,2 KTS CQ/100.000 dân), trong khi Mỹ có khoảng 20.100 KTS cảnh quan (khoảng 6,4 KTS CQ/100.000 dân), và Anh có khoảng 4.854 KTS cảnh quan (khoảng 7,7 KTS CQ/100.000 dân).

thung-lung-tinh-yeu-Da-Lat

Thung lũng Tình Yêu – Đà Lạt

Về đào tạo ngành kiến trúc cảnh quan

Ngành Kiến trúc Cảnh quan tại Việt Nam nói chung còn kém phát triển so với các nước tiên tiến trên thế giới. Hiện trong nước chưa có Khoa Kiến trúc Cảnh quan mà chỉ có bộ môn Kiến trúc Cảnh quan trực thuộc Khoa Quy hoạch (như tại Đại học Kiến trúc TP HCM, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Xây dựng, và Đại học Lâm nghiệp Việt Nam).
Các chương trình giảng dạy hiện nay nói chung vẫn còn khá lạc hậu so với các nước tiên tiến, chưa đặt trọng tâm vào việc cung cấp các kỹ năng tối cần thiết của ngành kiến trúc cảnh quan cho sinh viên, mà chủ yếu chỉ mới cung cấp kiến thức tổng hợp về quy hoạch, kiến trúc, và cây xanh. Do đó, sinh viên tốt nghiệp hiện chưa đủ khả năng thực hiện các đồ án nghiên cứu cảnh quan theo đúng tiêu chuẩn cần thiết.
Ngành kiến trúc cảnh quan, kiến trúc công trình, và quy hoạch đô thị dù đều là các ngành nghề chuyên môn giúp thiết kế và quản lý môi trường sống và có một số lãnh vực kiến thức chồng chéo giữa các ngành nghề này, lại có những khác biệt quan trọng như:
– Các nhà quy hoạch đô thị cần có cái nhìn tổng quan, toàn diện về phát triển và quản lý toàn bộ các thành phố và khu vực.
– Các KTS chủ yếu thiết kế các tòa nhà và cấu trúc với chức năng sử dụng cụ thể, như văn phòng, nhà ở, trường học và nhà máy.
– Các Kỹ sư áp dụng phương pháp tính toán khoa học để thiết kế và xây dựng kết cấu công trình, cơ sở hạ tầng công cộng như đường xá, cầu cống và các tiện ích (điện nước, xử lý chất thải, …)
– Các KTS cảnh quan thiết kế và quản lý việc sử dụng không gian ngoài trời, bao gồm mặt đất, mặt nước, không gian giữa các công trình, và các công trình kiến trúc nhỏ giúp tăng giá trị cho cảnh quan hoặc tạo điểm nhấn. KTS cảnh quan cũng không nhất thiết chỉ giới hạn trong việc thiết kế cây xanh, làm vườn, trồng hoa và thầu xây dựng cảnh quan, mà có thể làm quy hoạch công viên, thiết kế hệ thống kênh rạch hồ nước cảnh quan, hoặc thiết kế cầu đi bộ và tượng đài.
Khó khăn lớn nhất để phát triển ngành kiến trúc cảnh quan là thiếu nguồn giáo sư được đào tạo bài bản theo đúng chuyên ngành. Đa số giảng viên ngành kiến trúc cảnh quan tại Việt Nam có nền tảng là KTS công trình, đô thị sư, hoặc nhà sinh vật học, nên chưa truyền đạt được cho sinh viên các kỹ năng cần thiết của ngành. Do đó, thế hệ sinh viên được đào tạo chuyên ngành sau đó lại càng thiếu kiến thức chuyên ngành.

Nhìn về tương lai ngành kiến trúc cảnh quan

Để phát triển ngành kiến trúc cảnh quan phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước và với nhu cầu hội nhập quốc gia và quốc tế của ngành, chúng ta cần:
– Về mặt đào tạo: Các bộ môn nên xây dựng kế hoạch phát triển Khoa kiến trúc cảnh quan; gửi giảng viên đi tu nghiệp nước ngoài theo đúng chuyên ngành; mời các KTS cảnh quan đang hành nghề tại Việt Nam về giảng dạy; lập kế hoạch liên kết trao đổi hợp tác quốc tế, tổ chức các studio quốc tế với các Khoa kiến trúc cảnh quan tại nước ngoài.
– Về mặt tổ chức: Có thể phát triển trước các Chi hội KTS Cảnh quan trực thuộc Hội KTS Việt Nam. Sau đó, dần dần chuẩn bị cho việc thành lập Hội Kiến trúc Cảnh quan – Là thành viên của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, thành viên các Hội Kiến trúc Cảnh quan tại Châu Á và Liên đoàn KTS Cảnh quan Quốc tế. Ban đầu hội viên sẽ phải mở rộng cho đa ngành, dần dần hướng đến việc phát triển Đoàn KTS Cảnh quan, hoạt động chuyên nghiệp với chứng chỉ hành nghề, giống như KTS Đoàn của Hội KTS Việt Nam.
– Về mặt pháp lý: Cần xây dựng những luật lệ và quy định cụ thể cho công tác hành nghề kiến trúc cảnh quan, bước đầu có thể tham khảo những luật lệ và quy định nước ngoài, đảm bảo cạnh tranh công bằng trong môi trường hành nghề hội nhập với quốc tế.
– Về mặt nghiên cứu: Cần có tầm nhìn mở và đa ngành để phát triển ngành kiến trúc cảnh quan, trong đó không chỉ gắn kết với ngành quy hoạch, kiến trúc, mà cả với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chính sách, văn hóa lịch sử. Chúng ta hiện rất thiếu những nghiên cứu về bản sắc kiến trúc cảnh quan Việt Nam qua các thời kỳ phát triển để phục vụ công tác bảo tồn di sản; nghiên cứu về chủng loại và tiềm năng phát triển các loại cây trồng trong các dự án cảnh quan sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu từng vùng miền tại Việt Nam; nghiên cứu về quy trình thiết kế từ ý tưởng đến thiết kế thi công của một đồ án kiến trúc cảnh quan có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhưng phù hợp với điều kiện của Việt Nam…

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 1+2/2016)